
Bia là một “thức uống của cảm xúc” vì vậy, mọi yếu tố xoay quanh món đồ uống này như khung cảnh, hoàn cảnh, “đối tác”…đều ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm uống của mỗi người. Ngay cả đến một thứ đồ nhỏ bé như chiếc ly cũng có thể góp phần mang đến cho các “bia thủ” ngày hôm đó uống bia có thấy ngon, có thấy đúng loại bia “tủ” của mình không.
Vậy ly bia thực sự có vai trò lớn như vậy không?! Hãy cùng dạo quanh một vòng để thấy ly và bia là đôi bạn có sự tương tác qua lại với nhau như nào nhé:
Trong văn hoá uống bia, ly không đơn thuần chỉ là một vật chứa. Đó là biểu tượng của phong cách, văn hoá và cả sự tôn trọng dành cho thức uống này. Một ly bia đúng kiểu không chỉ góp phần nâng cao trải nghiệm thưởng thức mà còn phản ánh tinh thần, cá tính của người uống và bối cảnh xã hội mà họ thuộc về.
Mỗi loại bia có một đặc điểm riêng: độ sánh, màu sắc, hương thơm, hậu vị… và vì thế đi kèm với đó cần có một kiểu ly phù hợp để người uống có thể tận hưởng một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất giá trị của mỗi loại bia.
Một số kiểu ly phổ biến được sử dụng:
Ly tulip: Được mô phỏng theo hình dáng hoa tulip, thân tròn bầu, miệng hơi loe, chân ly dày ngắn. Thiết kế miệng ly rộng để giữ bọt bia trong thời gian dài hơn, thường được dùng cho các loại bia có độ cồn cao và hương thơm phức tạp.
Ly weizen: Là kiểu ly dáng cao và thành mỏng, thường có dung tích nhỏ (chứa khoảng 200ml). Đây là lựa chọn hoàn hảo cho bia lúa mì của Đức, giúp giữ lớp bọt dày và khoe trọn màu vàng đục đặc trưng.
Ly Stange: Đây là kiểu ly khá phổ biến với vóc dáng cao, thanh mảnh. Bạn có thể tìm thấy nó ở hầu hết các nhà hàng, quán bar hiện nay. Hình dáng trụ của chiếc ly mang lại sự tiện dụng cho người sử dụng.
Trên đây là một số dạng ly đặc trưng, được sử dụng khá phổ biến, ngoài ra còn rất nhiều kiểu dáng ly khác nữa phù hợp với từng loại bia và văn hoá của mỗi vùng miền, quốc gia.
Tại Việt Nam, với mỗi người yêu bia thì hình ảnh ly bia như này (ảnh) có lẽ đã trở thành một cái gì đó hết sức quen thuộc, đến mức hiển nhiên, không cần phải nói ra hay yêu cầu, nhưng một khi “được” thay đổi sẽ là một cái gì đó thiếu thiếu, khác khác mà có thể bạn chưa nhận ra ngay nhưng sẽ làm trải nghiệm uống bia của bạn tự nhiên có một sự “lạ” gì đó dù là bạn vẫn đang uống tại quán bia quen thuộc của mình.
Ly bia hơi thuỷ tinh màu xanh xanh, múi quanh thân và chút bọt của sự “chưa hoàn hảo”; hay loại ly Mug “cốc vại" mộc mạc, tất cả đều mang đậm giá trị truyền thống, tinh thần cộng đồng. Việc cụng ly trong tiếng hô "1, 2, 3… dzô!" đã trở thành nghi thức mở đầu cho một cuộc vui, nơi mọi khoảng cách bị xoá nhoà.
Mỗi loại bia khác nhau sẽ có những đặc điểm (màu sắc, hương vị, độ cồn…) tương đối khác nhau.
Ví dụ:
Lager: Bia nhẹ, màu vàng sáng đến vàng đồng, vị mát, dễ uống, độ cồn từ 4.0-5.5%. Hương vị: dịu, có hậu vị hơi đắng nhẹ.
Pilsner (thuộc dòng Lager): Sáng màu, vị đắng rõ ràng hơn lager thông thường. Hương vị: thơm mùi hoa bia (hop)…
Ale: Thường có màu nâu đỏ (hổ phách), vị đậm hơn lager, thường đắng cho đến hơi ngọt, có khi hơi chua.
Wheat beer: Loại bia được làm từ lúa mỳ, màu vàng đục, thường có vị chua nhẹ, độ cồn từ 4.5-5.5%. Hương vị: thường có hương của các loại hoa quả, thảo mộc và các loại gia vị khá lạ, rất thơm và mịn.
Do đặc tính mỗi loại bia có sự khác biệt khá lớn nên việc trải nghiệm của bạn không chỉ đến từ trải nghiệm của vị giác, mà còn từ khứu giác, thị giác và cả xúc giác…việc cầm trên tay một chiếc ly đẹp, thiết kế độc đáo còn mang lại cảm giác “uống bằng mắt” trước khi uống thật sự.
Ly giúp nâng tầm trải nghiệm, ly cũng phản ánh nét văn hoá của vùng miền hay của cả một quốc gia.
Ở Việt Nam, hầu hết ly được sử dụng tại các nhà hàng, quán nhậu là loại ly mug (ly vại – ly cối), xét về yếu tố thưởng thức và trải nghiệm thì loại ly này có nhiều hạn chế: miệng ly rộng, không giúp gom hương, không tối ưu trong việc trải nghiệm hương vị cho những loại bia cao cấp hoặc craft beer sẽ mất đi nhiều tầng hương vị tinh tế. Thành ly dày, đục thiếu tính thẩm mỹ nên cũng không giúp nâng tầm trải nghiệm được cho các dòng bia hiện đại, cao cấp hoặc có cá tính…Nhưng bỏ qua hết thảy các yếu tố đó “ly cối” vẫn vượt qua hàng loạt đối thủ, trở thành loại ly phổ biến nhất vì nó là một loại ly phù hợp nhất: phù hợp với văn hoá uống bia và văn hoá cộng đồng của người Việt Nam trong uống bia. Người Việt thường uống bia trong không khí đông vui, thân tình. Ly cối đơn giản, dễ sản xuất và dễ đồng bộ hoá trong các quán nhậu giúp, giảm chi phí và tạo cảm giác gần gũi. Bên cạnh đó, ly thường có dung tích lớn 330ml-500ml giúp người uống thoả mãn nhu cầu “uống cho đã”, rất phù hợp với phong cách uống bia theo nhóm, đặc biệt là khi “dzô” liên tục. Tay cầm lớn và thành ly dày cũng tạo cảm giác chắc chắn, yên tâm cho các “bia thủ” mỗi lần cụng ly, nhất là lúc cuộc vui đang đến lúc cao trào, khi mà cảm xúc đang dần thăng hoa trong khi độ “chính xác” lại đang dần giảm đi.
Một kiểu ly khác cũng rất phổ biến tại Việt Nam, tuy rằng không bằng ly cối nhưng nó lại giữ một sứ mệnh riêng cho một loại bia, kiểu ly đó được gọi là kiểu “ly bia hơi Hà Nội”. Gắn liền với không gian uống bia hơi – không gian “vỉa hè”, nơi mà chiếc ly bia hơi đi liền với bàn nhựa, ghế con, với những buổi chiều tan tầm Hà Nội đầy nắng bụi và tiếng cười. Nơi không gian của sự bình dân và tự do, nơi mọi tầng lớp có thể vô tư cụng ly mà không hề có sự phân biệt. Cũng vì đặc thù trong không gian và văn hoá đấy mà chiếc ly “bia hơi Hà Nội” cũng mang một chất riêng không thể nhầm lẫn: ly bia đơn giản, không hoạ tiết, không logo, thậm chí là không cần cả quai…chất thuỷ tinh đục đục, xanh xanh lẫn trong đó là những bọt khí, như một sự lạc hậu, cũ kĩ của công nghệ xưa.
Bạn đã từng tự hỏi là sao các quán bia hơi ngày nay không thay thế loại ly đó đi để nâng cấp trải nghiệm uống, hoặc dùng các loại ly phổ biến hiện nay để tăng tính thuận tiện chưa? Tôi đã từng tự đặt câu hỏi này trước đây nhưng rồi khi được uống bia hơi Hà Nội trong Sài Gòn và thật tình cờ quán hôm đó không còn đủ loại ly “cổ lỗ sĩ” kia và được phục vụ bởi một loại ly khác, tôi đã thấy rằng hình như mình đang không uống bia hơi Hà Nội, mặc dù trong bill – hoá đơn tính tiền không có một loại bia nào khác. Hỏi thăm một số những người yêu bia hơi Hà Nội mà tôi biết, tôi mới hiểu thêm một điều là cái ly “cổ lỗ sĩ” đó không đơn thuần là một vật dụng chứa bia. Nó còn là cả một nét văn hoá và sự hoài niệm về một thời ký ức bao cấp và hậu bao cấp, nơi ly bia hơi là cả một “thần phưởng” mà nhiều người ước ao. Nó mang theo ký ức tập thể của những thế hệ trước và những người trẻ hôm nay đi tìm lại “chất Hà Nội” qua những thứ đơn giản nhất. Chiếc ly bia hơi Hà nội không đẹp theo tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại, nhưng lại mang nét biểu tượng cho văn hoá bia hơi Hà Nội, nói lên một triết lý sống: đơng giản mà chất, mộc mạc mà gắn kết.
Luận đàm một chút để thấy ly trong văn hoá uống bia không chỉ là vật dụng hỗ trợ, mà là một phần không thể tách rời khỏi trải nghiệm thưởng thức. Mọi yêu tố từ thiết kế, chất liệu, thậm chí là cả giá trị lịch sử của nó cũng đều ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm của người uống bia. Ly phản ánh cách người ta uống bia: uống để giải khát, để kết giao, để thưởng thức hay để tìm kiếm những hoài niệm. Nó cũng phán ánh cá tính, văn hoá vùng miền và cả cách người ta trân trọng từng ngụm bia mình uống. Hiểu về ly cũng chính là hiểu hơn về văn hoá uống bia, một thứ đồ uống của cảm xúc nơi mà mọi yếu tố dù lớn hay nhỏ, dù vô hình hay hữu hình cũng đều có thể tác động không hề nhỏ đến trải nghiệm của người thưởng thức.
Tác giả: Thắng Đỗ
Company Name © All rights Reseverd